THỜI ĐIỂM THU HỒI NỢ
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, hoạt động kinh doanh mua bán và cho vay đang ngày càng phổ biến kéo theo các tranh chấp về thu hồi nợ phát sinh ngày càng nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến cách thức thu hồi nợ một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là khi nền kinh tế chung đang chịu sức ép cạnh tranh lớn và ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Một trong những yếu tố để thu hồi nợ hiệu quả chính là xác định thời điểm hợp lý để tiến hành các phương thức thu hồi nợ, vừa đảm bảo khả năng thanh toán của bên nợ, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ. Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm pháp lý về cách xác định thời điểm hợp lý để thu hồi nợ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
1.Thời điểm phát sinh nợ
Nợ là khoản tiền mà một bên (bên nợ) phải hoàn trả, bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan cho bên còn lại (chủ nợ). Trên thực tế, nợ có thể phát sinh từ các hoạt động mua bán, kinh doanh hoặc thông qua các hợp đồng vay nợ. Do vậy, thời điểm phát sinh nợ được xác định là thời điểm mà bên nợ có nghĩa vụ thanh toán nhưng không thực hiện nghĩa vụ đó đối với chủ nợ khi đến hạn thanh toán như đã thỏa thuận hoặc thông báo giữa các bên.
2.Thời điểm thu hồi nợ
2.1. Căn cứ vào thời điểm phát sinh nợ
Để thu hồi nợ hiệu quả, các phương thức thu hồi nợ nên được tiến hành càng gần thời điểm phát sinh nợ càng tốt. Bởi lẽ, vào giai đoạn vừa phát sinh nợ, bên nợ có thể vẫn còn khả năng trả nợ. Đồng thời, khi đó chủ nợ và bên có quyền có thể dễ dàng liên lạc, thương lượng với bên nợ. Cụ thể:
* Khi khoản nợ phát sinh từ 1 tháng đến 3 tháng đầu:
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây được xem là thời điểm có khả năng thu hồi nợ cao nhất. Tùy theo thỏa thuận của các bên mà khoản nợ lúc này có thể có hoặc chưa phát sinh lãi chậm trả. Trường hợp có phát sinh tiền lãi thì số tiền lãi vẫn còn ít, bên nợ vẫn có thể thu xếp để chi trả khoản nợ gốc và lãi phát sinh nếu có. Trong giai đoạn này, để việc thu hồi nợ có hiệu quả thì chủ nợ nên thường xuyên đốc thúc, nhắc nhở, đồng thời chủ nợ có thể tự thương lượng với bên nợ về thời hạn, giá trị khoản nợ hoặc những ưu đãi để bên nợ nhanh chóng giải quyết khoản nợ của mình.
* Khi khoản nợ phát sinh từ 3 tháng đến 12 tháng:
Đây có thể là thời điểm thu hồi nợ mất nhiều công sức hơn do lãi chậm trả bắt đầu phát sinh. Thời hạn chậm trả càng lâu, số nợ phát sinh thêm ngày càng nhiều. Lúc này, bên nợ có thể sẽ chây ỳ hoặc trốn tránh vì không còn khả năng trả nợ, việc liên lạc với bên nợ sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, chủ nợ cần có những biện pháp cứng rắn và quyết liệt hơn, thậm chí có thể thực hiện các biện pháp pháp lý để bên nợ buộc phải thanh toán theo quy định của pháp luật.
* Khi khoản nợ phát sinh từ 1 năm đến 3 năm:
Trong giai đoạn này, việc thu hồi nợ trở nên khó khăn hơn bởi bên nợ có thể không còn khả năng thanh toán số nợ lớn, bao gồm nợ gốc, lãi tính trên nợ gốc và lãi chậm trả đã phát sinh. Khi đó, bên nợ có khả năng sẽ trốn nợ, khiến chủ nợ không thể liên lạc được để thu hồi nợ. Trong trường hợp này, chủ nợ nên trực tiếp thực hiện các biện pháp pháp lý như khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền và/hoặc tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự. Đồng thời, với các khoản nợ có giá trị lớn, chủ nợ nên nhờ sự hỗ trợ, tư vấn pháp lý từ các tổ chức hành nghề luật trong quá trình thu hồi nợ hoặc tố tụng tại Tòa án để có thể thu hồi nợ một cách hiệu quả nhất.
* Khi khoản nợ đã phát sinh trên 3 năm:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về thu hồi nợ đã hết. Tuy nhiên, chủ nợ vẫn có thể khởi kiện và được Tòa án thụ lý giải quyết ngay cả khi đã hết thời hiệu khởi kiện nếu: (i) Bên nợ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với chủ nợ; hoặc (ii) Bên nợ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với chủ nợ.
2.2. Căn cứ vào từng thời điểm trong năm:
Vào từng thời điểm trong năm, các doanh nghiệp phải tiến hành những công việc khác nhau như đầu tư, kinh doanh, tổng kết hoạt động kinh doanh, quyết toán thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Do vậy, khả năng tài chính của các doanh nghiệp sẽ biến động theo từng thời điểm. Từ đó, để xác định thời điểm thu hồi nợ hợp lý, đảm bảo khả năng thanh toán của bên nợ, các chủ nợ, bên có quyền không chỉ xác định dựa trên thời điểm phát sinh nợ mà còn phải căn cứ vào từng thời điểm trong năm, tránh trường hợp dồn ép bên có nghĩa vụ trả nợ, khiến họ chùn chân và không muốn trả nợ.
* Quý I của năm:
Theo kinh nghiệm thực tiễn của chúng tôi, Quý I thường là thời điểm không thích hợp cho việc thu hồi nợ. Đây là thời điểm mà phần lớn các doanh nghiệp đều bắt đầu sử dụng vốn, tài sản để đầu tư, kinh doanh nên sẽ không dư dả tiền để có thể trả nợ.
* Quý II của năm:
Vào thời điểm này, hoạt động kinh doanh của bên nợ có thể đã bắt đầu phát sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, khả năng trả nợ của bên nợ vẫn còn nhiều hạn chế do lợi nhuận phát sinh chưa nhiều, cần vốn để duy trì hoạt động kinh doanh. Do vậy, đây là thời điểm hợp lý để chủ nợ thương lượng với bên có nghĩa vụ trả nợ về thời hạn thanh toán, hoặc thỏa thuận thời gian để bên nợ sắp xếp trả nợ dần.
* Quý III của năm:
Đây có thể được xem là thời điểm “vàng” để chủ nợ có thể thu hồi nợ do hoạt động làm ăn, kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III thường ổn định nhất trong năm. Bên nợ có thể có đủ khả năng thanh toán vào thời điểm này. Vì vậy, việc tiến hành các biện pháp thu hồi nợ vào quý III có khả năng thành công cao nhất.
* Quý IV của năm:
Việc thu hồi nợ vào giai đoạn này có hiệu quả hay không phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh trong năm của bên nợ. Nếu kết quả hoạt động kinh doanh của bên nợ tốt, việc thu hồi nợ sẽ diễn ra dễ dàng, và ngược lại. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều nghĩa vụ tài chính như quyết toán thuế, chi trả lương, thưởng cho nhân viên và chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh trong năm tiếp theo. Vì vậy, trên thực tế, khả năng thu hồi nợ vào quý IV thường khá thấp.
Việc xác định thời điểm thu hồi nợ hợp lý sẽ giúp chủ nợ thu hồi nợ hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ tốt hơn. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ có suôn sẻ và hiệu quả trên thực tế hay không phải dựa vào khả năng thanh toán và thái độ hợp tác của bên nợ. Nếu bên nợ cố tình không trả hoặc trốn tránh chủ nợ thì dù thu hồi nợ trong thời điểm nào của năm thì việc thu hồi nợ đều rất khó.
Ngoài ra, nếu chủ nợ muốn thực hiện các biện pháp pháp lý như khởi kiện để thu hồi nợ thì cần phải lưu ý về thời hiệu khởi kiện cũng như thái độ và khả năng trả nợ của bên nợ. Chủ nợ nên tránh để khoản nợ kéo dài trên 3 năm bởi khi đó việc thu hồi nợ sẽ khó khăn hơn, khả năng thu hồi lại toàn bộ số nợ là thấp. Khi đó, vụ việc có thể rơi vào trường hợp hết thời hiệu khởi kiện, việc giải quyết vụ án và thi hành án cũng sẽ mất nhiều thời gian, công sức.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý của chúng tôi về thời điểm thu hồi nợ. Hy vọng thông qua bài viết này, TNTP có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về từng thời điểm thu hồi nợ và lựa chọn thời điểm thu hồi nợ thích hợp cho trường hợp của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước vi phạm nghĩa vụ thanh toán của bên nợ.
Trân trọng.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
+84903503285