RỦI RO PHÁT SINH CÔNG NỢ VÀ NHỮNG LƯU Ý ĐỂ HẠN CHẾ
Hiện tại, tình hình diễn biến của dịch Covid – 19 đã được kiểm soát khá tốt nhưng những hậu quả mà dịch Covid – 19 để lại cho đến nay vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và khả năng phục hồi tình trạng tài chính của doanh nghiệp chậm đến mức đáng kể. Do đó, rủi ro phát sinh các khoản nợ trong khoảng thời gian này vẫn có thể xảy ra. Trong bài viết này, TNTP sẽ đưa ra những lưu ý đặc biệt khi thực hiện các giao dịch trong kinh doanh thương mại, cụ thể như sau:
1. Cẩn thận trước mỗi giao dịch
Trước khi xác lập giao dịch với bất kỳ đối tác nào, dù là đối tác lâu năm hay khách hàng mới, quý doanh nghiệp cần tìm hiểu và thu thập một cách chi tiết các thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh của đối tác và khách hàng.
Như TNTP đã trình bày ở phần mở đầu, các hậu quả do dịch Covid – 19 để lại ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh và đây là sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Vì vậy, để phòng ngừa và hạn chế tối đa các rủi ro có thể lường trước được, quý doanh nghiệp có thể tìm hiểu sơ bộ về tình hình hoạt động kinh doanh của đối tác, khách hàng mà quý doanh nghiệp có dự định hợp tác trong tương lai. Đặc biệt là các đối tác, khách hàng chịu ảnh hưởng hoặc có dấu hiệu chịu ảnh hưởng khi xảy ra dịch Covid-19 như ảnh hưởng về mặt tài chính hoặc nhân sự, công nhân (do có thể những đối tượng này phải thực hiện cách ly y tế theo yêu cầu của nhà nước).
Theo kinh nghiệm của TNTP, quý doanh nghiệp cần cân nhắc trong việc hợp tác, thực hiện giao dịch với các đối tác mới (là các đối tác mà quý doanh nghiệp chưa từng giao dịch trước đó). Trên thực tế, đây có thể là các chủ thể kinh doanh có nhiều khoản nợ tồn chưa thanh toán dẫn đến việc không thể vay nợ hoặc không được đối tác cũ tin tưởng để tiếp tục hợp tác. Các đối tác mới này sẽ luôn tìm kiếm các doanh nghiệp mới để ký kết Hợp đồng và tiếp tục lặp lại việc vay nợ như một vòng tuần hoàn, điều này gây ra sự rủi ro cho quý doanh nghiệp hợp tác với các đối tác này.
Do đó, để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro phát sinh công nợ có thể xảy ra, quý doanh nghiệp có thể tiến hành xác minh sơ bộ về tình hình kinh doanh của các đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như tình hình nhân sự, tài chính, tiền lương cũng nên được chú trọng vì các yếu tố trên sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình kinh doanh của công ty, từ đó, quý doanh nghiệp có thể đưa ra phán đoán trong việc quyết định thực hiện giao dịch với các đối tác kinh doanh.
2. Cẩn thận khi xác lập và thực hiện giao dịch
(i) Khi xác lập giao dịch
Trước tiên, quý doanh nghiệp cần lưu ý về thẩm quyền xác lập giao dịch của đối tác, khách hàng cũng như các điều khoản, nội dung trong hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, người có thẩm quyền ký kết hợp đồng là người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho một người khác để ký hợp đồng, quý doanh nghiệp cần yêu cầu Giấy ủy quyền cho việc ủy quyền này để tránh trường hợp giao dịch vô hiệu do không đúng thẩm quyền giao kết. Bên cạnh đó, quý doanh nghiệp nên lưu ý yêu cầu đối tác đặt cọc và/hoặc thêm những điều khoản về bảo đảm thanh toán trong Hợp đồng.
Ngoài ra, đối với quý doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa có thể cân nhắc quy định điều khoản về tạm ngừng cung cấp hàng hóa khi đối tác chưa hoàn thành thanh toán các khoản nợ đến hạn, vì đó có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một sự khó khăn về mặt tài chính.
(ii) Khi thực hiện giao dịch
Khi thực hiện giao dịch, quý doanh nghiệp có thể đề nghị đối tác thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng do lợi thế về việc quản lý, lưu trữ chứng từ giao dịch. Đồng thời, khi có tranh chấp xảy ra, Ngân hàng có thể hỗ trợ để trích xuất các tài liệu là chứng cứ xác đáng nhằm làm rõ sự vi phạm nghĩa vụ của một bên. Đồng thời, các chứng từ giao nhận, biên bản đối chiếu công nợ, công văn trao đổi giữa các Bên cần được ký xác nhận và đóng dấu bởi mỗi Bên.
3. Nhận diện rủi ro và giải quyết tranh chấp
Trong quá trình thực hiện giao dịch, quý doanh nghiệp cần luôn luôn tỉnh táo, tuân thủ và giám sát sự tuân thủ thực hiện hợp đồng của đối tác. Với bối cảnh nhạy cảm hiện nay, quý doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm lý cho việc tranh chấp có thể phát sinh bất kỳ lúc nào để không bị rơi vào tâm thế bị động dẫn tới sự lúng túng, bối rối. Dựa trên kinh nghiệm của TNTP, những lời khuyên sau là cần thiết để các quý doanh nghiệp có thể xem xét, cân nhắc và chủ động thực hiện:
(i) Trường hợp đối tác vi phạm nghĩa vụ thanh toán, quý doanh nghiệp cần gửi văn bản yêu cầu thanh toán trong thời gian sớm nhất sau khi hết thời hạn thanh toán theo Hợp đồng. Những văn bản đề cập đến công nợ được gửi cho đối tác cần được lấy báo phát để thuận tiện theo dõi việc nhận thư của đối tác và là cơ sở để đối tác phản hồi; hoặc
(ii) Quý doanh nghiệp cần chủ động lưu trữ các tài liệu có liên quan để khi có dấu hiệu phát sinh tranh chấp, quý doanh nghiệp có thể tổng hợp và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc thương lượng hoặc khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài thương mại trong tương lai.
Trường hợp rủi ro xảy ra
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện thanh toán hoặc trả nợ đúng hạn, quý doanh nghiệp cũng nên lưu ý các quy định pháp luật nhằm tránh những hành vi vi phạm pháp luật và làm giảm thiện chí giải quyết tranh chấp của bên liên quan, chẳng hạn như:
(i) Công bố hình ảnh, thông tin cá nhân của bên có nghĩa vụ mà không có sự cho phép của bên có nghĩa vụ;
(ii) Bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm của bên có nghĩa vụ;
(iii) Sử dụng vũ lực đối với bên có nghĩa vụ;
(iv) Thực hiện các hành vi gọi điện, nhắn tin giục nợ đối với người thân, người quen của bên có nghĩa vụ;
(v) Ủy quyền cho bên thứ ba kinh doanh dịch vụ đòi nợ để yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ;
(vi) Cưỡng chế lấy tiền, tài sản của bên có nghĩa vụ mà không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ;
Thay vào đó, quý doanh nghiệp có thể tìm đến những tổ chức hành nghề luật sư để được tư vấn giải quyết hoặc đại diện để tham gia giải quyết các tranh chấp, đồng thời tránh những hành vi vi phạm pháp luật không đáng có.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự