QUY TRÌNH SOẠN THẢO VÀ NỘP ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ TẠI TÒA ÁN
Việc dân sự là việc tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tương tự như việc khởi kiện giải quyết tranh chấp dân sự, việc yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án cũng được bắt đầu từ thời điểm người yêu cầu (bao gồm cá nhân, người đại diện hợp pháp của tổ chức) thực hiện thủ tục nộp Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự. Mặc dù thủ tục giải quyết việc dân sự đơn giản hơn so với thủ tục giải quyết vụ án dân sự, nhưng trên thực tế vẫn phát sinh nhiều trường hợp người yêu cầu gặp khó khăn trong khâu chuẩn bị và nộp Đơn yêu cầu, dẫn đến việc tốn nhiều thời gian, công sức và ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Do vậy, chúng tôi xin chia sẻ bài viết pháp lý này để hướng dẫn về quy trình soạn thảo và nộp Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án.
1. Soạn thảo Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
1.1. Hình thức và nội dung của Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Hình thức và nội dung của Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự phải tuân thủ các quy định hiện hành. Theo đó, người yêu cầu có thể tự soạn Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự đáp ứng hình thức và nội dung theo luật định hoặc sử dụng mẫu Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự theo Mẫu số 01-VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Vui lòng tham khảo Mẫu số 01-VDS dưới đây:
1.2. Một số lưu ý trong quá trình soạn thảo Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
(i) Xác định rõ ràng, chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự theo quy định của pháp luật;
(ii) Để Tòa án có thể nhanh chóng nắm được nội dung vụ việc và xác định các căn cứ để xem xét và giải quyết, người yêu cầu nên tóm tắt lại vụ việc và cần xác định cụ thể loại việc dân sự trong Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự;
(iii) Trường hợp người yêu cầu ủy quyền cho người khác soạn Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự thì phải ghi rõ họ tên của người được ủy quyền yêu cầu, người yêu cầu và thời gian xác lập văn bản ủy quyền. Trường hợp có nhiều người cùng làm Đơn yêu cầu thì phải ghi đầy đủ các thông tin của từng người và đánh số thứ tự tương ứng.
(iv) Người yêu cầu phải gửi các tài liệu, chứng cứ và văn bản ủy quyền (nếu có) kèm theo Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
2. Nộp Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
2.1. Phương thức nộp Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Sau khi đã chuẩn bị Hồ sơ yêu cầu (bao gồm Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và các tài liệu, chứng cứ đính kèm), người yêu cầu có thể nộp Hồ sơ yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng 03 phương thức sau: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án, (ii) Gửi đến Tòa án thông qua dịch vụ bưu chính, hoặc (iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2.2. Kết quả nộp Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Sau khi nhận Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, Tòa án có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận đã nhận đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và xem xét Đơn yêu cầu.
Tùy vào từng trường hợp, Tòa án sẽ đưa ra một trong các quyết định sau: (i) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; (ii) Tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự; hoặc (iii) Trả lại Đơn yêu cầu nếu người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, hoặc không sửa đổi, bổ sung Đơn yêu cầu, hoặc không nộp lệ phí trong thời hạn quy định, hoặc sự việc đã được giải quyết hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Trường hợp xét thấy Đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán sẽ thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí. Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì việc dân sự được thụ lý kể từ ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu. Do đó, người yêu cầu cần lưu ý về vấn đề nộp lệ phí và biên lai thu tiền lệ phí theo quy định trên để đảm bảo việc thụ lý đơn yêu cầu.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý của chúng tôi về quy trình soạn thảo và nộp Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án. Chúng tôi mong rằng bài viết có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về quy trình này và thực hiện việc soạn thảo và nộp Đơn yêu cầu khi tham gia giải quyết việc dân sự tại Tòa án một cách hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trân trọng.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự