NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI DOANH NGHIỆP KHỞI KIỆN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG TẠI TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN
Ở bài viết trước, TNTP đã gửi đến bạn đọc những cách xác định thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng. Bạn đọc có thể tìm hiểu bài viết này theo đường link dưới đây:
Tiếp theo bài viết này, TNTP sẽ gửi đến bạn đọc và quý doanh nghiệp các lưu ý khi khởi kiện giải quyết tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng tại Tòa án có thẩm quyền.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, sự vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận trong Hợp đồng của một bên có thể dẫn đến thiệt hại cho bên còn lại hoặc khiến cho các bên không đạt được mục đích theo thỏa thuận ban đầu. Do đó, bên bị vi phạm có thể khởi kiện bên vi phạm tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng giao kết giữa các bên. Tuy nhiên, việc khởi kiện một chủ thể kinh doanh cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, cụ thể là các vấn đề như sau:
1. Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp
Căn cứ theo khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”
Như vậy, thời điểm mà người có quyền biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm sẽ là thời điểm phát sinh thời hiệu khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Có thể thấy, nếu như quá thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người có quyền có thể mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện trong một số trường hợp nhất định vẫn có thể khôi phục, cụ thể là căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, bao gồm:
(i) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
(ii) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
(iii) Các bên đã tự hoà giải với nhau.
Mặc dù, pháp luật cũng đã quy định các trường hợp khôi phục thời hiệu khởi kiện để các bên có thể dễ dàng khởi kiện giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, việc đưa ra các chứng cứ nhằm chứng minh cho việc khôi phục thời hiệu khởi kiện để Tòa án có thẩm quyền xem xét và chấp nhận là khá phức tạp và tương đối mất nhiều thời gian cho bên có quyền, điều này sẽ có nguy cơ khiến cho bên bị kiện thực hiện việc tẩu táng tài sản hoặc xuất cảnh ra nước ngoài để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa có kiến thức nhiều về thời hiệu khởi kiện, do đó, doanh nghiệp thường vô tình tự đánh mất quyền khởi kiện của mình, dẫn đến những khó khăn trong việc thu hồi công nợ để phục vụ cho quá trình vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì thời hiệu khởi kiện không được xem là một trong những điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện, tuy nhiên, trong trường hợp bên bị kiện yêu cầu Tòa án xem xét về thời hiệu và nếu thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.
Pháp luật cũng quy định thời hiệu khởi kiện cụ thể đối với từng loại tranh chấp, chẳng hạn như đối với tranh chấp thương mại thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm theo quy định tại Điều 319 Luật Thương mại năm 2005. Mặt khác, đối với các giao dịch phát sinh chung từ Hợp đồng thì căn cứ theo Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm. Như vậy, thời hiệu khởi kiện trong trường hợp bên khởi kiện yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo đó, việc xác định thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được hiểu là ngày mà bên có nghĩa vụ phải thanh toán theo Hợp đồng nhưng không tiến hành thanh toán hoặc thời điểm cuối cùng mà bên có nghĩa vụ thanh toán tiến hành thanh toán cho người khởi kiện.
2. Khoản tiền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán
Bên cạnh việc lưu ý về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng, doanh nghiệp khởi kiện cũng cần lưu ý đến yêu cầu khởi kiện của mình. Thông thường yêu cầu khởi kiện sẽ xoay quanh vấn đề bên có nghĩa vụ không thực hiện việc thanh toán và đòi lại khoản tiền mà bên có nghĩa vụ phải thanh toán cho doanh nghiệp khởi kiện. Do đó, doanh nghiệp khởi kiện cần lưu ý và đưa ra yêu cầu chính xác về các Khoản tiền mà bên khởi kiện được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì bên khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ tiến hành thanh toán bao gồm:
(i) Khoản tiền còn lại các bên đã thỏa thuận theo Hợp đồng sau khi bên có nghĩa vụ thực hiện một phần nghĩa vụ của mình (“Khoản nợ”);
(ii) Tiền lãi đối với Khoản nợ tương ứng với thời gian chậm trả. Khoản tiền lãi này được tính dựa trên hành vi chậm trả thanh toán của bên có nghĩa vụ, cụ thể hơn, việc tính lãi sẽ được xác định theo thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng nhưng không được vượt quá mức lãi suất 20%/năm đối với Khoản nợ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp tại Hợp đồng hai bên không có thỏa thuận về việc trả lãi hoặc có thỏa thuận về việc tra lãi nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất là 10%/năm đối với Khoản nợ;
(iii) Khoản tiền phạt do vi phạm Hợp đồng (nếu có quy định tại Hợp đồng). Đối với Khoản tiền phạt vi phạm này, doanh nghiệp chỉ được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện khi các bên đã thỏa thuận điều khoản phạt vi phạm trong Hợp đồng và mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng hoặc tổng phạt vi phạm đối với nhiều vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005.
Trên đây là các vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý khi khởi kiện giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng tại Tòa án có thẩm quyền. Mong rằng thông qua bài viết này, quý doanh nghiệp có thể vận dụng các lưu ý nêu trên để chuẩn bị cho quá trình khởi kiện giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng tại Tòa án.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự