NHỮNG KHÓ KHĂN MÀ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM PHẢI ĐỐI MẶT KHI THU HỒI NỢ TỪ CÁC CHỦ THỂ NƯỚC NGOÀI
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc buôn bán kinh doanh trong và ngoài nước diễn ra thường xuyên. Bên cạnh những giao dịch đầy tiềm năng, song cũng có những rủi ro tiềm ẩn bên trong, việc đẩy mạnh kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước dẫn đến các khoản nợ phát sinh ngày càng nhiều. Đặc điểm của những khoản nợ này là yếu tố nước ngoài, theo đó việc thu hồi nợ cũng có những khó khăn và khác biệt nhất định. Dưới đây, TNTP sẽ phân tích khi bên nợ là những chủ thể nước ngoài thì Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những khó khăn gì khi thực hiện thu hồi nợ, từ đó các Doanh nghiệp Việt Nam có thể đúc kết được kinh nghiệm khi gặp các tình huống tương tự.
1. Khó xác định được chính xác địa chỉ, tư cách pháp lý của bên nợ
Ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng tra cứu thông tin về các Doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, hoặc có thể đi đến địa chỉ Doanh nghiệp để xác minh thực tế, tuy nhiên với những bên nợ có địa chỉ, trụ sở tại nước ngoài thì rất khó để có thể tra cứu và xác minh thông tin.
Thứ nhất, về địa chỉ, trường hợp bên nợ thay đổi địa chỉ hoạt động, mã số doanh nghiệp, người đại diện hay tình trạng hoạt động,… cũng rất khó để biết chính xác, chúng ta không thể đi trực tiếp đến tận nơi để xác minh tình trạng hoạt động cũng như xem xét tình hình kinh doanh của họ, do đó Doanh nghiệp Việt Nam rất khó để có thể nắm được thông tin này.
Thứ hai, xác định thông qua Internet. Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta có thể tra cứu bất kì thứ gì trên Internet, tuy nhiên việc tìm kiếm thông tin Doanh nghiệp nước ngoài trên Internet vẫn còn hạn chế do nhiều quốc gia không có trang thông tin về doanh nghiệp hoặc các trang web này không cho phép tiếp cận tự do.
Vì vậy, khi tiến hành thực hiện các bước cần thiết cho việc thu hồi nợ, sẽ rất khó cho Doanh nghiệp Việt Nam xác định được chính xác địa chỉ và tư cách pháp lý của bên nợ nếu bên nợ là chủ thể nước ngoài.
2. Khó khăn về rào cản ngôn ngữ
Ngôn ngữ trong quá trình hội nhập là phương tiện quan trọng để các chủ thể thể hiện ý kiến, quan điểm và yêu cầu của mình. Tuy nhiên, không phải bất cứ bên nợ nào cũng sử dụng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phổ thông, chưa kể đến việc khi truyền đạt thông tin các bên có thể hiểu lầm nhau dẫn đến việc thu hồi nợ gặp khó khăn. Vì những lý do đó mà rào cản ngôn ngữ chính là khó khăn thứ 2 mà các Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt nếu như bên nợ là các chủ thể nước ngoài.
Do đó, nếu các bên thống nhất ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Việt hoặc tiếng Anh, các bước tiếp theo của việc thu hồi nợ sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.
3. Thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp ở nước ngoài
Trong quá trình giao kết hợp đồng, các bên sẽ thỏa thuận thống nhất về việc lựa chọn thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên đồng ý việc áp dụng pháp luật và cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài thì tương đương với việc không thể lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam và giải quyết tranh chấp tại các cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam.
Điều này dẫn đến việc, nếu tranh chấp phát sinh, các Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm các nguyên tắc cơ bản và thông tin về pháp luật nước đó, nghĩa là các Doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu quy định pháp luật của quốc gia được chọn để giải quyết tranh chấp, bên cạnh đó phải thực hiện các trình tự, thủ tục theo pháp luật nước họ khi làm việc với các cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nên cân nhắc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một Công ty luật tại quốc gia mà pháp luật nước đó được chọn để giải quyết tranh chấp.
4. Chi phí khởi kiện tại nước ngoài
Trong trường hợp các bên đã thỏa thuận chọn nơi giải quyết tranh chấp không phải là Việt Nam thì khi muốn khởi kiện, Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật nước đó. Tuy nhiên, các chi phí tiến hành khởi kiện trong và ngoài nước là khác nhau, phần lớn chi phí khởi kiện ở nước ngoài tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí khởi kiện tại Việt Nam. Do đó, dựa vào giá trị của khoản nợ, các Doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc cẩn thận khi tiến hành khởi kiện tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị kĩ cho việc khởi kiện, Doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu về quy định pháp luật của nước sở tại, song song đó là tìm hiểu về dịch vụ thu hồi nợ của các Công ty thu hồi nợ hoặc Công ty luật nước ngoài nơi mà bên nợ có địa chỉ hoặc đặt trụ sở, các công ty này có thể thay mặt cho Doanh nghiệp Việt Nam làm việc trực tiếp với bên nợ, cơ quan có thẩm quyền, trên hết là họ không bị rào cản về ngôn ngữ, dễ dàng trao đổi, tìm kiếm thông tin và am hiểu rõ quy định pháp luật nước họ. Việc này giúp các bước thu hồi nợ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Nếu Doanh nghiệp Việt Nam không thể tự tìm kiếm các Công ty luật nước ngoài để ủy quyền thu hồi nợ, Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm đến các Công ty luật Việt Nam, hiện tại một số Công ty luật Việt Nam có mạng lưới hợp tác với các Công ty luật nước ngoài, họ có thể thay mặt Doanh nghiệp Việt Nam làm việc với bên nợ và các cơ quan nhà nước. Như vậy, việc trao đổi, làm việc, tìm kiếm thông tin giữa các bên sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn so với việc Doanh nghiệp Việt Nam tự mình tìm hiểu và liên lạc với Công ty luật nước ngoài.
Từ những phân tích trên, có thể thấy được việc thu hồi nợ đối với bên nợ là các chủ thể nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và dự tính trước các hạn chế, rủi ro mà mình gặp phải để có sự chuẩn bị tốt trong quá trình thu hồi nợ để mọi việc diễn ra hiệu quả hơn.
Trên đây là những kinh nghiệm của TNTP về những khó khăn của việc thu hồi nợ giữa doanh nghiệp Việt Nam và bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài. Hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự