NGHĨA VỤ CHỨNG MINH ĐỐI VỚI YÊU CẦU CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Tại bài viết “Công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam”, chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm về trình tự, thủ tục để yêu cầu Tòa án tại Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài. Với bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu làm rõ nghĩa vụ chứng minh của các đương sự trong quá trình Tòa án xem xét và giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài. Liệu rằng phán quyết đó có mặc nhiên được công nhận và thi hành hay phải đáp ứng được những điều kiện khác? Khi đó, chủ thể nào có nghĩa vụ chứng minh và chứng minh như thế nào để phán quyết Trọng tài nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam? Chúng tôi sẽ phân tích và làm rõ những vấn đề nêu trên trong bài viết này.
1. Nghĩa vụ chứng minh trong công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài
1.1. Quy định của pháp luật Việt Nam
Căn cứ tại Điều 424 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bao gồm: (i) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; (ii) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp (i) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Theo đó, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không đương nhiên được công nhận và cho thi hành mà phải được xem xét và quyết định bởi Tòa án có thẩm quyền.
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 không có quy định nào về việc bên được thi hành phán quyết phải chứng minh cho yêu cầu của mình mà chỉ cần nộp Đơn yêu cầu đính kèm phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc thỏa thuận trọng tài giữa các bên để Tòa án xem xét.
Căn cứ tại Điều 459.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trường hợp bên phải thi hành phán quyết phản đối yêu cầu công nhận thì phải cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh phản đối của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra, theo Điều 91.2 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.
Như vậy, bên được thi hành phán quyết không có nghĩa vụ phải chứng minh các căn cứ để phán quyết được công nhận và cho thi hành. Tòa án sẽ xem xét đơn yêu cầu và phán quyết kèm theo để ra quyết định công nhận và cho thi hành theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế. Và bên phải thi hành phán quyết có nghĩa vụ chứng minh nếu phản đối yêu cầu công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
1.2. Quy định của Công ước New York năm 1958
Việt Nam là thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành các phán quyết Trọng tài nước ngoài. Quy định tại Công ước New York năm 1958 có những điểm tương đồng với quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về nghĩa vụ chứng minh trong công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài.
Theo đó, Công ước New York năm 1958 cũng không quy định về nghĩa vụ chứng minh của bên được thi hành phán quyết mà chỉ đặt ra nghĩa vụ chứng minh đối với bên phải thi hành phán quyết khi bên phải thi hành yêu cầu từ chối công nhận và cho thi hành quyết định tại Điều 5 của Công ước.
Những điểm tương đồng này đã cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc nội lực hóa pháp luật quốc gia theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và làm thành viên. Điều này cũng thể hiện quan điểm đồng ý của pháp luật Dân sự Việt Nam về nghĩa vụ chứng minh trong công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài đã được ghi nhận tại Công ước New York năm 1958.
2. Khó khăn trong nghĩa vụ chứng minh của bên phải thi hành phán quyết khi phản đối yêu cầu công nhận phán quyết Trọng tài nước ngoài
Để phản đối yêu cầu của bên được thi hành phán quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài, bên phải thi hành phán quyết cần đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh phán quyết đó thuộc một trong các trường hợp không được công nhận theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Ví dụ, trong trường hợp bên phải thi hành phán quyết cho rằng bên được thi hành phán quyết không có năng lực pháp lý để ký kết thỏa thuận Trọng tài. Để phản đối yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam, bên phải thi hành phán quyết cần chứng minh được rằng theo hệ thống pháp luật điểu chỉnh giao dịch giữa hai bên, người đại diện cho bên được thi hành phán quyết không có năng lực pháp lý để ký kết thỏa thuận Trọng tài.
Một ví dụ khác, đối với trường hợp bên phải thi hành phán quyết cho rằng một số nội dung phán quyết của Trọng tài nước ngoài vượt quá yêu cầu giải quyết của các bên, bên phải thi hành phán quyết cần phải chứng minh được rằng theo hệ thống pháp luật điểu chỉnh giao dịch giữa hai bên, hội đồng trọng tài đã giải quyết các vấn đề vượt quá nội dung yêu cầu của bên được thi hành phán quyết.
Như vậy, để chứng minh phán quyết của Trọng tài nước ngoài thuộc các trường hợp không được công nhận tại Việt Nam, bên phải thi hành phán quyết không chỉ cần am hiểu pháp luật Việt Nam mà còn phải nghiên cứu hệ thống pháp luật của quốc gia nơi có phán quyết Trọng tài, pháp luật mà các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp cũng như là quy tắc tố tụng, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài. Sự khác biệt và đa dạng các hệ thống pháp luật sẽ gây khó khăn cho quá trình chứng minh của bên phải thi hành.
Từ những phân tích và chia sẻ pháp lý về nghĩa vụ chứng minh trong công nhận, cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam nêu trên, chúng tôi mong rằng các bên trong tranh chấp có thể hiểu rõ hơn về vai trò chứng minh của mình trong quá trình yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu công nhận, cho thi hành phán quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trân trọng.
Công ty Luật Quốc tế TNTP và Các Cộng sự