KHI NÀO ĐƯỢC ÁP DỤNG HÌNH THỨC KỶ LUẬT LAO ĐỘNG SA THẢI? (PHẦN 2)
Ngoài hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc đã được đề cập trong Phần 1, trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét đến căn cứ thứ hai mà người lao động (“NLĐ”) có thể bị xử lý kỷ luật sa thải khi thực hiện hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động (“NSDLĐ”).
2. Các trường hợp NSDLĐ được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải
2.1 NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc
2.2 NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động
NSDLĐ chỉ cần có căn cứ chứng minh NLĐ thực hiện một trong các hành vi nêu trên tại nơi làm việc (nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của NSDLĐ) để tiến hành sa thải, không cần phải căn cứ vào hậu quả thiệt hại do hành vi đó gây ra.
Đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh:
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019, năm 2022 (“Luật SHTT”) quy định: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Theo đó, bí mật kinh doanh sẽ được bảo hộ theo quy định của pháp luật khi đáp ứng các điều kiện dưới đây mà không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký:
– Bí mật kinh doanh không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
– Khi bí mật kinh doanh được sử dụng trong quá trình kinh doanh, người nắm giữ sẽ có lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng đối tượng này;
– Chủ sở hữu phải thực hiện các biện pháp bảo mật cần thiết để bí mật kinh doanh không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Hơn thế nữa, NSDLĐ cần phải quy định cụ thể những nội dung được xác định là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp trong nội quy lao động nhằm có đủ căn cứ xác định hành vi NLĐ tiết lộ những thông tin này là một vi phạm và tiến hành xử lý kỷ luật sa thải.
Đối với hành vi tiết lộ bí mật công nghệ:
Bộ luật Lao động năm 2019 cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan không định nghĩa như thế nào là “bí mật công nghệ”. Tuy nhiên, tham chiếu khái niệm về “Công nghệ” được quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, theo đó có thể hiểu rằng bí mật công nghệ là những thông tin về giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
Trong suốt quá trình hoạt động, mỗi doanh nghiệp sẽ có rất nhiều giải pháp, quy trình và bí quyết khác nhau, tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả những đối tượng kể trên đều được xem là bí mật công nghệ. Vậy nên, nếu NLSDLĐ muốn có căn cứ, cơ sở rõ ràng để tiến hành xử lý kỷ luật NLĐ đúng pháp luật thì việc xây dựng các quy định về bí mật công nghệ trong Nội quy lao động là vô cùng cần thiết.
Đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
Theo quy định tại Điều 4 Luật SHTT, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với từng loại quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể và chi tiết tại các Điều 28, Điều 35, Điều 126, Điều 127, Điều 129 và 188 của Luật SHTT.
NSDLĐ có thể chứng minh quyền được bảo hộ hợp pháp đối với các tài sản trí tuệ thông qua việc xuất trình một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:
1. Bằng độc quyền, Giấy chứng nhận đăng ký hoặc Văn bằng bảo hộ do Cơ quan có thẩm quyền cấp, cụ thể như: Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bằng bảo hộ giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;
2. Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; về quyền tác giả, quyền liên quan; về giống cây trồng được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp;
3. Bản sao Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp đối với nhãn hiệu được đăng ký quốc tế;
4. Đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ phát sinh quyền, xác lập quyền tương ứng theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 6 của Luật SHTT.
Đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, NLĐ không chỉ chịu hình thức kỷ luật sa thải do NSDLĐ áp dụng mà còn có nguy cơ đối mặt với các biện pháp hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm.
Thông tin trên đây là trường hợp thứ hai mà NSDLĐ có thể căn cứ để áp dụng hình thức sa thải đối với NLĐ. Qua đó, TNTP hy vọng có thể góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật để xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải một cách đúng đắn nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ xảy ra tranh chấp liên quan đến vấn đề này.
Trân trọng.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
+84903503285