GIẢI PHÁP CHO DOANH NGHIỆP KHI TÒA ÁN TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN VÌ LÝ DO KHÔNG SỬA ĐỔI BỔ SUNG ĐƠN KHỞI KIỆN
Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền là một trong các phương thức để các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp với nhau. Trong quá trình nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thể sẽ phát sinh nhiều trở ngại không mong muốn như việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Có không ít trường hợp các doanh nghiệp nộp hồ sơ khởi kiện và bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do không sửa đổi, bổ sung nội dung của đơn khởi kiện trong thời hạn mà Tòa án yêu cầu. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích và làm rõ việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do không sửa đổi, bổ sung nội dung của đơn khởi kiện đúng thời hạn có đúng quy định của pháp luật hay không và hướng xử lý của các doanh nghiệp khi bị trả đơn trong trường hợp này
1. Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ của Tòa án
Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, Chánh án sẽ phân công Thẩm phán phụ trách để xem xét đơn khởi kiện. Trong trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán phụ trách sẽ yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 96.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trong trường hợp đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 BLDS 2015 thì trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.
Như vậy, trong trường hợp hồ sơ khởi kiện chưa đầy đủ cơ sở để bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc thì Tòa án có quyền yêu cầu đương sự bổ sung các tài liệu chứng cứ để phục vụ cho việc giải quyết vụ việc.
2. Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do không sửa đổi bổ, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn Tòa án yêu cầu
Tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này”. Theo đó Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện nếu người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán theo quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Khoản 2 Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau: “Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.” Khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định rằng danh mục tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện là một trong những nội dung cần có trong đơn khởi kiện
Trong trường hợp vì lý do khách quan mà doanh nghiệp không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Như vậy, việc doanh nghiệp đã nộp những tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nhưng có yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ từ Tòa án mà doanh nghiệp đó không cung cấp được những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án yêu cầu thì không thuộc trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện do người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo như quy định tại Điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
3. Doanh nghiệp cần làm gì khi bị trả lại đơn khởi kiện
Điểm b khoản 4 Điều 194 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện như sau: “Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.”
Như đã phân tích ở trên, việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do doanh nghiệp không cung cấp được các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án là không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có quyền Khiếu nại để yêu cầu Tòa án nhận lại hồ sơ khởi kiện và thụ lý vụ việc theo các tài liệu chứng cứ hiện có để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp
Trên đây là những chia sẻ pháp lý về cách xử lý khi doanh nghiệp bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do không bổ sung nội dung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án. Hi vọng bài viết này có ích cho các bạn.
Trân trọng,
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
+84903503285